HOT

Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”

By Thích Soạn Văn | 14/12/2022

Đề bài Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?” là một đề bài thuộc chương trình Tiếng Việt lớp 6, nếu các em đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện về đề bài này thì các bài văn mẫu dưới đây sẽ là một gợi ý hay để các em tham khảo.



Ghi chú: Tải "Tài liệu, Lời giải" có phí, bạn liên hệ qua Zalo: 0363072023 hoặc Facebook TẠI ĐÂY.

Với các bài văn mẫu Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?” dưới đây các em sẽ hoàn thiện thêm kỹ năng trong việc viết văn cũng như bổ sung thêm nhiều từ vựng hay áp dụng cho bài viết chính thức của mình.

Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”

Mẫu 1

Mỗi người là một phiên bản khác nhau không ai giống ai, vì thế mà mỗi người sẽ có một tính cách, một lối sống riêng: có người thích sống ở phố, chạy theo xu hướng mới, có người thích thôn quê dân dã yên bình, thích những gì đơn giản. Xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh thì lối sống giản dị lại càng trở nên cần thiết. Vậy giản dị là gì và lối sống giản dị được biểu hiện như thế nào?

Trước hết, hiểu ngắn gọn giản dị là sống đơn giản bỏ qua những sự cầu kì và không chạy đua theo xu hướng xã hội, sống phù hợp với hoàn cảnh của mình, không sống xa rời thực tại. Lối sống giản dị được biểu hiện qua muôn mặt đời sống trên các phương diện như lời ăn tiếng nói, lối sống, ăn mặc, hành động, bằng lòng với thực tại, không đòi hỏi cao từ phía người khác….Giản dị trong cách ăn mặc đó là mặc đơn giản, không lòe loẹt cầu kì và đặc biệt là phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Đơn cử khi tham gia một đám hiếu không nên mặc váy mà nên mặc quần áo trơn, ít họa tiết nhất có thể, tối màu; còn khi tham gia đám hỉ có thể mặc váy sáng màu nhạt, không nên quá cầu kì kiểu cách, miễn sao tạo được sử thoải mái trong hoạt động và giao tiếp. Còn trong lời ăn tiếng nói, giản dị được biểu hiện ở chỗ nói với âm thanh vừa đủ nghe, lời lẽ ngắn gọn đơn giản, dễ hiểu tránh lời thô lỗ dung tục và nói đúng, trúng vấn đề giao tiếp. Giản dị trong hành động, sinh hoạt được biểu hiện ăn đủ chất, đủ lượng, không làm thừa và đổ bỏ lãng phí, sống hòa đồng với mọi người xung quanh, tự nhiên và gần gũi trong cách cư xử….

Sống giản dị không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân mà còn đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội Khi sống giản dị tạo nên sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn và sự nhàn nhã, thư thái trong nhịp sống. Sống giản dị còn giúp cho con người hoà đồng với tự nhiên, gắn bó sâu sắc với các cá nhân khác và là một trong những cách để mỗi người sống thật, sống có hứng thú, có ý nghĩa. Đơn cử như khi ăn nói giản dị, văn phong nhẹ nhàng, chân thật thường được mọi người xung quanh yêu quý. Cách nói chuyện nhanh gọn, đi đúng vấn đề sẽ chiếm được cảm tình từ đối phương. Giản dị trong cách ăn nói khiến cho mục đích giao tiếp thành công hơn. Nội dung ngôn từ ngắn gọn súc tích tiết kiệm được nhiều thời gian giao tiếp. Từ đó mang lại thành công cho người giản dị… Tuy nhiên chúng ta không nên nhầm lẫn sống giản dị với sống xuề xoà, dễ dãi, cẩu thả, vì trong những trường hợp này, cái giản đơn bên ngoài là biểu hiện của sự thiếu ý thức ở bên trong. Ăn nói giản dị, dễ hiểu khác với ăn nói cộc lốc, thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng người khác. Chủ Tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị. Đứng đầu một đất nước nhưng người vẫn mang dép cao su, áo vải, ăn những bữa cơm chỉ vài ba món, ở nhà sàn mái lá… Vì thế sự nghiệp, sức sống của Người đã vượt mọi giới hạn thông thường về không gian, thời gian, còn tiếng thơm muôn đời. Hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến rất giàu trách nhiệm, nặng tình đời song không tham đua chen chốn quan trường mà chọn thanh bần đế chan hoà với không gian suối rừng thôn dã, tìm sự tự do và thanh thản trong tâm hồn... 

Như vậy có thể thấy, giản dị là một trong những phẩm chất cao quý của con người, mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất ấy trước hết là giúp ích cho bản thân, sau là giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Để sống giản dị, cần một năng lực sống, năng lực tâm hồn và quyết tâm cao, cũng cần hoà mình vào cuộc sống đế sống và cảm nhận, cần loại bỏ lòng tham và bù đắp tình yêu cuộc sống. Đó là cách để tránh mọi cám dỗ, giảm áp lực tinh thần và nâng cao bản lĩnh văn hoá. Bản thân em cũng cố gắng học tập và tu dưỡng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người và sống cởi mở, chân thành, đơn giản. 

Mẫu 2

Cách đây hơn ba trăm năm, một nhà văn Pháp đã đưa lên sân khấu vở hài kịch bất hủ Trưởng giả học làm sang, một phần để mang lại tiếng cười mua vui cho khán giả, nhưng quan trọng hơn là phê phán những con người hào nhoáng phô trương mà vô tình bỏ quên một lối sống vô cùng cao đẹp: Sống giản dị.

Giản dị là sống một cách đơn giản, không cầu kì phô trương. Nhắc đến lối sống giản dị, ta thường hiểu đó là lối sống lấy tự nhiên làm mục đích, tránh những phức tạp, khoe khoang, những điều không cần thiết. Đây là một đức tính cao quý cần có và đáng trân trọng ở mỗi người. Lối sống giản dị được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau trong đời sống con người: trang phục, việc ăn uống, cách giao tiếp, thói quen, hay phong cách làm việc… Cụ thể hơn, người sống giản dị thường lựa chọn trang phục phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, gọn gàng và tiện dụng, tránh cầu kì, lòe loẹt. Còn trong cách sinh hoạt, họ hòa đồng với mọi người, tự nhiên và gần gũi trong cách cư xử, không coi mình là hơn người. Người giản dị lựa chọn cách sống coi trọng tiện ích và giá trị sâu sắc bên trong hơn là sự phô trương, hào nhoáng bề ngoài. Cũng cần khẳng định cốt lõi của lối sống giản dị là ý thức về mục đích, ý nghĩa cuộc sống. Chính những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn sẽ chi phối con người lựa chọn cho mình sự giản dị về vật chất.

Sống giản dị đem lại cho ta những giá trị gì? Trước hết, đây là một lối sống giúp con người tiết kiệm, không cần đầu tư tiền bạc, tâm sức vào những điều phù phiếm, xa xỉ. Thêm vào đó, giản dị giúp người ta dễ hòa nhập hài hòa với thế giới xung quanh, làm cho người với người thân thiện hơn và có thêm nhiều mối quan hệ cao đẹp trong cuộc sống. Sống giản dị cũng góp phần làm sáng lên nhân cách của mỗi con người. Hơn nữa, giản dị còn tạo nên sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn và sự nhàn nhã, thư thái trong nhịp sống. Con người không cần gắng gượng phô trương những điều không cần thiết, vì thế mà có thể sống thật, sống ý nghĩa hơn. Nhìn xa hơn, giản dị là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và tạo cho xã hội sự bình đẳng, nhân ái.

Có lẽ bất kì người con Việt Nam nào cũng biết đến tấm gương giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy là một lãnh tụ vĩ đại, là người đứng đầu một đất nước nhưng cuộc sống của bác tự nhiên, giản dị và gần gũi vô cùng với cuộc sống của nhân dân vào những năm tháng khó khăn. “Người là cha, là bác, là anh” với lối sống “cháo bẹ, rau măng” chứ không hề xa xôi, lạ lẫm.

Như vậy giản dị là lối sống hợp lí, cao đẹp. Tuy nhiên giản dị hoàn toàn khác với lối sống gò bó, lạc hậu; giản dị cũng không đồng nghĩa với cách sống hà tiện, tối giản hóa chi tiêu. Con người sống và làm việc phải đi đôi với hưởng thụ. Vì vậy hãy biết giản dị phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện để vẫn thể hiện được sự tao nhã, thanh lịch, có văn hóa. Đề cao lối sống giản dị đồng nghĩa với việc phê phán lối sống xa hoa, đua đòi, chạy theo xu hướng đám đông mà không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Để có lối sống giản dị, con người cần trải qua rèn luyện, tự sống và cảm nhận, gạt bỏ mọi cám dỗ và lòng tham để nâng cao giá trị sống bản thân.

Mẫu 3

Với nhân dân ta nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung thì có lẽ hình ảnh vị cha già kính yêu - Hồ Chí Minh, đã quá vĩ đại và thân quen với mọi tầng lớp và gương mặt. Những người không chỉ nổi tiếng là một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhà quân sự tài ba, một danh nhân văn hóa thế giới mà Người còn được cả thế giới kính trọng bởi đức tính giản dị của một người lãnh tụ trên vạn người. Vậy thì thế nào là giản dị?

Giản dị là sự không cầu kì, sang trọng và phô trương khoe mẽ. giản dị thể hiện trong trang phục, lối sống, cách sinh hoạt, cách thể hiện bản thân. Giản dị đối lập hẳn với cách sống cầu kì, kiểu cách theo kiểu vương công quý tộc. Sự giản dị tạo ra cách sống nhẹ nhàng, điềm đạm thích sống hướng nội hơn là sự khoe mẽ ra bên ngoài.

Bác Hồ của chúng ta, người vốn nổi tiếng với đức tính giản dị. Giản dị trong nhu cầu ăn uống, Bác thường quen với những món giản dị, đạm bạc như canh cà, dưa muối. Trong ăn mặc Bác cũng không quá phô trương, Bác hay mặc chiếc áo ka-ki đã sờn màu và đi đôi dép lốp cao su. Tất cả những gì thuộc về Bác đều là sự giản dị đến tối đa, có ai nghĩ một vị chủ tịch nước của một dân tộc lại sống trong một căn nhà sàn đơn sơ, đạm bạc đến vậy thay vì những cung điện nguy nga, tráng lệ của vua chúa hay các vị nguyên thủ trên thế giới. Sự giản dị của Bác gợi ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Sự giản dị phải chăng cũng đi liền với những quan niệm thẩm mĩ về cái đẹp, đó là cái đẹp giản dị, tự nhiên, chân chất và mộc mạc thay vì cái đẹp cầu kì, kiểu cách. Cái đẹp ấy đi liền với sự thanh cao, giản dị, cái đẹp tự nhiên, điềm đạm, cân đối hài hòa. Sự giản dị giúp tâm hồn ta thanh thản và nhẹ nhõm, không quá đề cao những gì thuộc về vật chất. đồng thời sự giản dị giúp ta sống không theo kiểu chạy theo xu hướng, không quá a dua, đua đòi theo lối sống của người khác. Cũng chính nhờ sự giản dị, tâm hồn ta tăng thêm vẻ đẹp mộc mạc, hài hoa tránh phát sinh những ham muốn rất dễ trở thành dục vọng tầm thường, thấp kém. Đôi khi con người ta hay vì ưa những cái rực rỡ, chói lóa sang trọng mà a dua, học đòi, bắt chước nhưng kì thực họ không biết rằng chỉ có sự giản dị về chất từ bên trong mới tạo ra vẻ đẹp ngời rạng, trong sáng và thanh cao từ chính tâm hồn mình.

Nhưng sự giản dị không đồng nghĩa với sự dễ dãi, xoàng trong tác phong và cách thức sinh hoạt. sự giản dị ở đây là không màu mè, kiểu cách còn sự dễ dãi kia lại rất dễ gây ra sự thô tục, thiếu lịch sự, gây mất thiện cảm với người xung quanh. Sống giản dị là biết tạo ra một sự tĩnh tại và an nhiên, điền đạm trong tâm hồn mình để không bị cuốn theo những cám dỗ về vật chất ở bên ngoài. Đó dường như đã là vẻ đẹp truyền thống, rất riêng, rất dân tộc của người dân Việt Nam ta từ bao đời nay.

Có một nhà văn nào đó đã từng nói như này: Quần áo giản dị là y phục đúng kiểu của kẻ thô tục; chúng được may cho họ, và phù hợp hoàn toàn với tiêu chuẩn của họ, nhưng đối với những người đã đổ đầy cuộc đời mình với những hành động lớn lao thì chúng lại là đồ trang trí lộng lẫy. Tôi ví chúng như cái đẹp trong sự xuềnh xoàng, nhưng khiến người ta mê mẩn. Vậy thì thật đáng quý biết bao là cái đẹp giản dị, cái đẹp sang trọng trong những gì bình dị nhất.

Trong tất cả mọi thứ: trong tính cách, trong cung cách, trong phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị. Chính sự giản dị làm nên cái chuẩn mực và thanh tịnh cho tâm hồn, không để ta cứ luôn phải chạy theo những toan tính và tham vọng về vật chất để khoe mẽ và phơi bày cho thiên hạ trông thấy. Chính vì thế, giản dị cũng là một trong những đẹp thanh lịch và quý báu mà chúng ta cần phát huy.

Mẫu 4

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn đề cao đức tính giản dị của con người. Nó không những là một phẩm chất cao quý mà còn là lối sống, lối ứng xử in đậm trong văn hóa của người Việt.

Giản dị là một lối sống không trọng vật chất của con người. Giản dị biểu hiện ở lối sống đơn giản, không cầu kì, xa hoa, không phô trương hay lãng phí của cải vật chất. Giản dị còn thể hiện ở tinh thần yêu chuộng cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Giản dị còn biểu hiện ở lời ăn tiếng nói hiền hòa, điềm đạm, có tình, có nghĩa của con người.

Người giản dị thường xây dựng một cuộc sống kín đáo, hiền hòa. Họ thích ở làng quê hơn ở phố. Người giản dị cũng yêu thích những cái gì nhỏ nhắn, mộc mạc, đơn sơ. Họ không thích cầu kì một cách hình thức hay lãng phí một cách không cần thiết.

Người giản dị không những giản dị trong cách xây dựng không gian sống. Họ còn giản dị cả trong lời nói, ăn mặc, công việc và ứng xử. Người giản dị thường ăn nói điềm đạm, ứng xử lịch sự, nhã nhặn. Họ ít khi có lời gắt gỏng hay xung đột với ai. Họ lấy nghĩa tình làm nguyên tắc ứng xử của mình. Những bất đồng ít khi trở thành xung đột, dĩ hòa vi quý. Một người giản dị thường không khoa trương, không dùng lời lẽ xa hoa, bóng bẩy. Lời nói của họ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, truyền đạt đúng và đầy đủ thông tin mà họ muốn nói. Trong ăn mặc, họ ít khi cầu kì. Cuộc sống giản đơn như đồng quê cây cỏ. Ăn uống đối với họ cũng hết sức đạm bạc. Họ cũng không thích những bộ trang phục lòe loẹt, kiểu cách. Trang phục của họ thường rất bình dị, hòa hợp với hoàn cảnh xung quanh. Trong công việc, họ cầu tiến nhưng không quá tham vọng. Họ sẵn sàng đối đầu với khó khăn thử thách để hoàn thành tốt công việc. Ít khi nào ta thấy họ bỏ cuộc hay chấp nhận thất bại một cách dễ dàng.

Người giản dị có cách giải quyết sự việc nhanh chóng, không dây dưa. Họ quyết liệt trong công việc nhưng không yêu cầu điều gì thái quá. Một người giản dị là một người không bao giờ yêu cầu người khác phải tạo điều gì đó đặc biệt cho mình. Họ luôn bằng lòng với tất cả những gì họ sẵn có. Họ không đòi hỏi thứ vật chất lớn lao hay sự ưu tiên khác dành cho mình.

Sự giản dị không chỉ thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày, từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, hành động, trong công việc, trong giao tiếp mà còn cả ngay từ trong suy nghĩ. Nhiều khi sự giản dị thể hiện ngay trong việc con người sống với những gì vốn có của mình, không hoa mĩ, lòe loẹt, chạy theo phong trào, chạy theo mốt, Giản dị ở đây có thể hiểu như là lối sống chân phương vậy.

Đối với mọi người xung quanh, họ hết sức niềm nở, thân ái. Bởi người sống giản dị rất quý trọng tình nghĩa. Một người biết suy nghĩ những điều giản dị sẽ biết phải làm gì để có được điều đó, biết cách sống gần gũi với những người xung quanh. Đối với họ, sự hòa hợp của bản thân với xung quanh quan trọng hơn là nổi bậc.

Người có tính giản dị thường sống tiết kiệm, sử dụng đồng tiền có mục đích đúng đắn. Họ nhìn nhận sự việc đúng mức, không quan trọng hóa vấn đề. Đó là tất cả những đặc điểm nổi bật mà bạn có thể tìm thấy ở một con người giản dị thật sự. Bởi thế mà từ xưa, giản dị luôn là lối sống của các bậc hiền nhân.

Nhưng sự giản dị không thể gò ép, giả dối. Giản dị phải bắt nguồn từ một sự chân thành và những biểu hiện cũng hết sức chân thành, không thể sống giản dị một cách gượng ép, khiên cưỡng. Trước sau gì những người xung quanh cũng sẽ nhận ra điều đó. Giản dị có thể thuộc về bản tính sẵn có. Nhưng phần nhiều là do quá trình rèn luyện trong cuộc sống để có được.

Giản dị không chỉ là một cách sống, nó còn là một quan niệm sống. Từ xưa, lối sống “thanh bần lạc đạo” vốn được thực hành như một triết lí sống của con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm xa rời vinh hoa quan trường về mở trường dạy học bên dòng sông Tuyết Giang (sông Hàn), sống an bần đến cuối đời. Nguyễn Khuyến cũng rời chốn phồn hoa về ẩn cư tại quê nhà, vui thú điền viên. Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị, đáng để chúng ta kính trọng, học tập và làm theo.

Sống giản dị là một lối sống hết sức lành mạnh và tích. Một lối sống không trọng vật chất, thích những điều đơn giản sẽ mang lại cho con người sự trong sạch trong tinh thần. Lối sống giản dị mang lại cho con người một cuộc sống thanh bình, êm ả. Con người không bị ràng buộc bởi những tiện nghi. Tinh thần lúc nào cũng an nhàn, thoải mái. Tính giản dị rất cần thiết trong cuộc sống. Tính giản dị khiến ta tiết kiệm thời gian, không mất thời gian vào các việc vô bổ mà cầu kì. Tính giản dị khiến mọi người xung quanh tôn trọng ta. Sống giản dị giúp biết cách biết cách ứng xử hiền hòa trước cuộc sống. Ta trở nên gần gũi, chan hòa với cuộc sống, với mọi người xung quanh mình. Người có lối sống giản dị luôn được người khác yêu mến và kính trọng.

Mục đích cuối cùng của quá trình học tập và lao động là tạo ra của cải và có được hạnh phúc. trong đó, được sống hạnh phúc là cái con người luôn khao khát có được. Muốn xây dựng và rèn luyện lối sống giản dị, trước hết phải hướng đến những giá trị chân thực ấy trong cuộc sống.

Biết quý trọng tình nghĩa, quý trọng những người xung quanh mình. Vật chất làm đẹp không gian sống nhưng chính tình cảm thân thiện, mến yêu mới làm đẹp con người.

Phải có nghị lực lớn mới dám sống cuộc sống giản dị, đơn sơ. Bởi con người luôn bị lôi cuốn bởi vật chất. Tâm lí xã hội cũng lấy vật chất làm thước đo giá trị cuộc sống con người. Vượt lên trên tâm lí ấy ta mới có đủ dũng khí để sống cuộc sống đúng nghĩa. Phải có một tình yêu lớn đối với thiên nhiên. Yêu hoa mến cảnh là động lực thôi thúc con người tìm về với lối sống hòa hợp với đất trời, lấy vẻ đẹp cỏ cây, sông núi làm đẹp cho cuộc sống và tâm hồn mình.

Quan trọng hơn tất cả, muốn hình thành và xây dựng lối sống giản dị trong cuộc sống này, con người phải có một tâm hồn cao đẹp, một trí tuệ uyên bác, một nghị lực mạnh mẽ để vượt lên trên mọi cám dỗ của cuộc đời, không tham cao sang, quyền quý, trọng tình cảm, thiết tha với các giá trị truyền thống của dân tộc mới có thể có được một lối sống giản dị đích thực. Các bậc hiền nhân luôn sống giản dị, hòa hợp với thiên nhiên là cuộc sống nhằm để di dưỡng và thanh lọc tinh thần.

Trong cuộc sống tiện nghi, nhiều người chỉ biết quý trọng vật chất xa hoa mà quên tình bạc nghĩa. Họ coi giá trị vật chất là trên hết, bất chấp đạo lí, sẵn sàng chà đạp lên tình người để có được nó. Có nhiều người khác lại phô trương, khoe mẽ quá mức hoặc xa hoa lãng phí của cải một cách không cần thiết. Những người như thế thật đáng chê trách.

Sống giản dị mang lại cho con người thư thái trong tinh thần. Đủ nghị lực để vượt lên trên vật chất, đạt đến lối sống thanh cao, giản dị thể hiện vẻ đẹp cao quý của con người. Tuy nhiên, không nên khắt khe, hay xem thường giá trị của vật chất.

Sống giản dị là sống như cha ông ta đã từng sống. Đó không phải là cách ứng xử của con người khi nghèo khổ mà đó là cách sống cao cả, nhằm hướng đến xây dựng một lối sống thắm đượm nghĩa tình, thể hiện sự quý trọng của con người đối với vật chất và sức lao động con người.

Mẫu 5

Xã hội là tiền đề phát triển suy nghĩ nhận thức của mỗi người, rèn cho ta những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Một trong số đó con người ta đã và đang rèn luyện đức tính sống giản dị bởi sống giản dị là một lối sống đẹp của con người.

Vậy sống giản dị là gì? Là sống phù hợp với điều kiện với hoàn cảnh của bản thân gia đình và xã hội, không sống xa hoa lãng phí, không cầu kỳ kiểu cách, không chạy theo những nhu cầu về vật chất và hình thức bên ngoài.

Lối sống giản dị được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đó không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc trong việc sinh hoạt hàng ngày mà còn thể hiện ở cả lời ăn tiếng nói, ở cả quan điểm sống, cách cư xử của con người trong mọi hoàn cảnh trước mọi vấn đề. Một người giản dị là một người ăn nói cẩn thận, không khoa trương, ăn nói ngắn gọn dễ hiểu. Hay là người luôn giải quyết mọi công việc một cách nhanh nhất nhưng vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả của nó. Đó cũng là những người sống hòa đồng với tất cả mọi người không quá cầu kỳ trong cách cư xử. Hơn thế nữa những người sống giản dị là những người không lãng phí, sử dụng tiền đúng mục đích, không sử dụng vào những công việc vô bổ, biết nhìn nhận mọi vấn đề đúng với chuẩn mực và không làm quan trọng hóa vấn đề. Trong cách ăn mặc, họ không cần mặc những trang phục hàng hiệu mà chỉ cần những bộ quần áo giản đơn thôi nhưng họ cũng làm cho mình trở nên đẹp hơn lịch sự hơn. Tất cả những đặc điểm trên là biểu hiện của những người sống giản dị.

Quả thật sống giản dị là một lối sống đẹp vì nó không phải là lối sống đơn giản thô sơ mà là một phong cách sống cao đẹp. Không những thế mà lối sống giản dị còn giúp cho con người ta không bị lệ thuộc vào những ham muốn về mặt vật chất và tinh thần. Nó giúp ta biết tự điều hòa kiềm chế bản thân vượt qua những cám dỗ trong cuộc sống. Sống giản dị giúp ta tiết kiệm thời gian, không bị chi phối bởi những việc vô bổ, cũng giúp con người có khả năng hòa đồng với thiên nhiên, quan tâm tới mọi người xung quanh nhiều hơn. Nhờ có vậy mà con người được sống một cuộc sống vui vẻ bình yên hạnh phúc và thanh thản.

Từ xưa tới nay có rất nhiều tấm gương về đức tính giản dị mà chúng ta cần phải học tập. Đầu tiên là phải nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh người được cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ. Mặc dù là chủ tịch nước nhưng Người lại sống một cuộc sống hết sức giản dị chứ không như những vị chủ tịch khác. Trang phục thường ngày của Bác chỉ là bộ bà ba nâu đã phai màu, bộ kaki đã cũ và đôi dép lốp cao su. Nơi làm việc của Bác cũng chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ bé đơn sơ chỉ vỏn vẹn có hai phòng. Ngay cả trong cách ăn nói người cũng rất giản dị ngắn gọn và dễ hiểu như "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau được chữa bệnh". Hay chúng ta có thể kể đến Nguyễn Trãi cũng có lối sống giản dị bởi ông đã từng nói:

"Bữa ăn giàu có dưa muối

Áo mặc này chi gấm là"

Bên cạnh những tấm gương cho lối sống giản dị cũng không ít những người sống phung phí xa hoa. Trong thời hiện đại ngày nay có rất nhiều bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại nhuộm tóc rồi ăn mặc phá cách không đúng với tư cách của một người học sinh. Hay là những người hoàn cảnh gia đình khá giả lại ăn mặc một cách khoa trương mặc toàn hàng hiệu.

Chính vì thế nên để sống giản dị thì cần phải có bản lĩnh và trí tuệ để biết đủ biết dừng chứ không phải sống khổ hạnh hay ép mình. Là một học sinh em cần phải tu dưỡng đạo đức rèn luyện bản thân. Khi tới trường chỉ cần phải ăn mặc đúng đồng phục không cầu kỳ kiểu cách. Hơn thế nữa em sẽ tuyên truyền để bạn bè cùng hiểu rõ sự cần thiết và tác dụng của lối sống giản dị.

Quả thật sống giản dị giúp con người thanh thoát hơn không tiêu tốn tiền bạc của cải tạo cho xã hội sự hòa đồng bình đẳng thân ái. Chính vì vậy mà mỗi người chúng ta cần tạo cho mình một lối sống giản dị và lan tỏa lối sống giản dị đến những người xung quanh để cuộc sống luôn tươi đẹp và hài hòa.

Dàn ý viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”

I. Mở bài

- Trong cuộc sống, mỗi người có một tính cách, một lối sống riêng. Có người ưa sự giàu sang, thích sang trọng, lộng lẫy, nổi bật. Nhưng vẫn có người chọn cho mình một lối sống giản dị, bình thường.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Giản dị là sống một cách đơn giản, tự nhiên, không cầu kì phô trương trong lối sống.

2. Bàn luận

a) Biểu hiện của lối sống giản dị

- Lối sống giản dị bộc lộ ở nhiều phương diện: trang phục, ăn uống, thói quen, giao tiếp, nói năng, phong cách làm việc...

+ Trang phục phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, gọn gàng và tiện dụng, tránh cầu kì, loè loẹt.

+ Cách ứng xử lịch sự, đúng mực; cách suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, không hoa mĩ, cầu kì rắc rối...

+ Cách sinh hoạt: hòa đồng với mọi người, tự nhiên và gần gũi trong cách cư xử; không tự coi mình là người đặc biệt, khác người mà cần thấy mình bình thường như những người khác.

- Cốt lõi của lối sống giản dị là sự ý thức sâu sắc về mục đích và cách sống sao cho hoà đồng và thoải mái, tự nhiên để tạo thành một phong cách sống. Sống giản dị cũng là biểu hiện của sự sâu sắc trong nhận thức về cuộc sống.

b) Tác dụng của lối sống giản dị

- Giản dị khiến người ta dễ hòa nhập với mọi người, làm cho con người trở nên thân thiện với nhau và giúp ta có thêm bạn bè... góp phần làm sáng lên nhân cách của mỗi con người.

- Giản dị tạo nên sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn và sự nhàn nhã, thư thái trong nhịp sống. Khiến con người hòa đồng với tự nhiên, gắn bó sâu sắc với các cá nhân khác.

- Sống giản dị là một trong những cách để mỗi người sống thật, sống có hứng thú, có ý nghĩa.

- Sống giản dị giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và tạo cho xã hội sự hòa đồng, bình đẳng, nhân ái.

c) Mở rộng, phản đề

- Lối sống giản dị hoàn toàn khác với lối sống cẩu thả, lạc hậu, gò bó, khuôn mẫu; giản dị cũng không đồng nghĩa với tiết kiệm, hà tiện... giản dị phù hợp với điều kiện, với hoàn cảnh vẫn thể hiện được sự tao nhã, thanh lịch, văn hóa.

- Phê phán lối sống xa hoa, đua đòi hay giản dị một cách giả tạo.

- Để sống giản dị, con người phải trải qua sự rèn luyện, cần một năng lực sống, quyết tâm cao, cũng cần hoà mình vào cuộc sống đế sống và cảm nhận, cần loại bỏ lòng tham và bù đắp tình yêu cuộc sống. Đó là cách để tránh mọi cám dỗ, giảm áp lực tinh thần và nâng cao bản lĩnh văn hoá.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức được giản dị là một lối sống đẹp.

- Là học sinh, mỗi chúng ta cần học tập phong cách sống giản dị, chân thành. Ở tuổi học đường, nên chú ý đến việc học tập và tu dưỡng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người và sống cởi mở, chân thành, đơn giản.

III. Kết bài

Người xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để chỉ hình thức bên ngoài không quan trọng bằng bản chất bên trong của con người. Sống khiêm tốn, thật thà, giản dị hay sống xa hoa, bon chen, đua đòi theo vật chất, danh lợi là tùy cách nhận thức của mỗi người. Nhưng sống sao cho đẹp lòng người, sống có ích và không cảm thấy hối tiếc thì thật sự là một điều rất khó. Bởi thế chúng ta hãy chọn cho mình một cách sống tốt nhất bằng cách cùng tạo dựng cho bản thân một “lối sống giản dị” riêng.

Trên đây là nội dung các bài văn mẫu Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?” Giaitoan8.com sưu tầm và gửi tới các em học sinh. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em hoàn thành bài tập về nhà cũng như bài kiểm tra trên lớp đạt kết quả cao. Để phục vụ tốt hơn cho việc ôn tập môn văn, mời các em tham khảo thêm nội dung các bài văn mẫu Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) giải thích vì sao thế hệ trẻ cần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ở đây.

ĐG của bạn?

Donate: Ủng hộ website Giaitoan8.com thông qua STK: 0363072023 (MoMo hoặc NH TPBank).
Cảm ơn các bạn rất nhiều!

Từ khóa:
  • Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”